Saturday, 27 Apr 2024
Blog Thẻ Tín Dụng

Rủi ro tính dụng là gì ? Hậu quả nguy hiểm cho các ngân hàng – khách hàng

Trong nền kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, rất nhiều dự án kinh doanh xuất hiện do đó cần rất nhiều nguồn vốn đầu tư. Các tổ chức tín dụng là nơi phổ biến mà các chủ dự án tìm đến để giải quyết các vướng mắc về tài chính. Kèm theo các khoản vay nợ tín chấp đó thì các tổ chức tín dụng cũng sẽ gánh chịu những rủi ro tín dụng.

rui-ro-tin-dung-la-gi
Rủi ro tín dụng là gì ?

Bài viết này sẽ cung cấp khái niệm và các vấn đề có liên quan đến các rủi ro tín dụng để các bạn có một cái nhìn tổng quan trong quá trình cho vay tín chấp, từ đó có thể định hướng cho mình giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tín dụng và tránh được các hậu quả nguy hiểm do rủi ro tín dụng gây nên.

Nên xem: THẺ TÍN DỤNG LÀ GÌ

Rủi ro tín dụng là gì?

Khái niệm

Rủi ro tín dụng là rủi ro phát sinh khi khách hàng vay nợ không thực hiện đúng theo cam kết của hợp đồng tín dụng, với một số biểu hiện cụ thể như là: khách hàng chậm trả nợ, trả nợ không đầy đủ hoặc không trả nợ khi đến hạn thanh toán các khoản gốc và lãi vay. Chính điều này sẽ gây ra những tổn thất về tài chính và khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

Cung cấp các khoản vay tín chấp là một trong những chức năng chính của ngân hàng. Tuy nhiên, việc quản lý và phòng ngừa rủi ro tín dụng là một quy trình vô cùng phức tạp do đó rất khó để đảm bảo được hết sự an toàn tín dụng cho ngân hàng. Ngược lại, rủi ro tín dụng rất dễ xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất kì tổ chức tín dụng nào. [content_block id=1504 slug=ads-giua-1]

Việc theo dõi các khoản cho vay nói chung và các khoản vay tín chấp nói riêng để có thể kiểm soát được các rủi ro tín dụng là điều vô cùng quan trọng. Nếu như không phát hiện và xử lý kịp thời các khoản vay nợ tín chấp thì sẽ kéo theo các hệ lụy hậu quả nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung.

Cụ thể hơn, rủi ro tín dụng sẽ gây ra những tổn thất về tài chính đối với các tổ chức tín dụng và nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến thua lỗ hoặc phá sản. Mà đối với nền kinh tế, ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nếu như có bất cứ một  ngân hàng nào bị phá sản thì sẽ ít nhiều gây khủng hoảng cho nền kinh tế đặc biệt là ở Việt Nam.

Tuy nhiên, rủi ro tín dụng luôn luôn tồn tại khách quan cùng với quá trình cho vay tín chấp. Không có cách nào loại bỏ hoàn toàn rủi ro tín dụng nhưng có thể kiểm soát được rủi ro ở mức độ chấp nhận được. Nếu có thể kiểm soát được rủi ro thì tổ chức tín dụng vẫn có thể chủ động được về tài chính và công việc kinh doanh không xảy ra vấn đề gì nhiều.

Phân loại rủi ro tín dụng

Tùy theo mục đích và nhu cầu nghiên cứu mà có thể lựa chọn các tiêu chí phân loại khác nhau. Sau đây là một số các tiêu chí phân loại mà các bạn có thể tham khảo để có thể dễ dàng nhận biết hơn về các loại rủi ro tín dụng

1. Căn cứ vào nguyên nhân phát sinh

Căn cứ vào nguyên nhân phát sinh thì rủi ro tín dụng được phân chia thành hai loại: rủi ro giao dịch và rủi ro danh mục. [content_block id=1508 slug=ads-giua-2]

a/ Rủi ro giao dịch: là rủi ro tín dụng mà nguyên nhân xuất phát từ những sai sót trong quá trình giao dịch và xét duyệt cho vay, đánh giá khách hàng.

Trong rủi ro giao dịch có 03 bộ phận chính đó là: rủi ro lựa chọn, rủi ro bảo đảm và rủi ro nghiệp vụ.

–  Rủi ro lựa chọn: liên quan đến quá trình đánh giá và phân tích tín dụng khi lựa chọn phương án vay vốn hiệu quả để ra quyết định.

– Rủi ro bảo đảm: xuất phát các tiêu chuẩn đảm bảo do các điều khoản trong hợp đồng cho vay hoặc do loại tài sản đảm bảo, chủ thể bảo đảm, cách thức đảm bảo hoặc do mức cho vay cao hơn so với giá trị của tài sản đảm bảo.

– Rủi ro nghiệp vụ: xuất phát từ công tác quản lý các khoản vay và hoạt động cho vay, kể cả sai sót trong việc sử dụng hệ thống xếp hạng rủi ro và kỹ thuật xử lý các khoản cho vay.

b/ Rủi ro danh mục: là rủi ro tín dụng mà nguyên nhân xuất phát từ những sai sót trong quản lý danh mục cho vay của ngân hàng.

Rủi ro danh mục được phân chia thành 02 loại: rủi ro nội tại và rủi ro tập trung.

– Rủi ro nội tại: xuất phát từ các yếu tố, đặc điểm riêng biệt tồn tại bên trong mỗi cá nhân đi vay hoặc của ngành, lĩnh vực kinh tế. Do đó, loại rủi ro này hình thành từ đặc điểm hoạt động kinh doanh hoặc sử dụng vốn vay của khách hàng.

– Rủi ro tập trung: nảy sinh khi tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay với một số khách hàng quá nhiều; hoặc quá nhiều doanh nghiệp cùng hoạt động trong một ngành, lĩnh vực kinh tế; hoặc trong cùng một khu vực địa lý; hoặc cùng một loại hình cho vay có rủi ro cao.

2/ Căn cứ vào nguồn gốc

Căn cứ vào nguồn gốc thì rủi ro tín dụng có thể được chia ra thành 3 loại: rủi ro từ phía người cho vay, rủi ro từ phía người vay và rủi ro từ các nguyên nhân khác.

a/ Rủi ro từ phía người cho vay: là những rủi ro do chính sách của Ngân hàng trong quá trình nghiên cứu, dự báo, theo dõi và xử lý rủi ro tín dụng không chặt chẽ; hoặc, việc thực hiện các công tác kiểm tra, kiểm soát kém; hoặc rủi ro phát sinh do tiêu cực từ chính cán bộ tín dụng…

b/ Rủi ro từ phía người vay: do bên vay sử dụng vốn không đúng mục đích gây thất thoát vốn; hoặc công việc sản xuất kinh doanh không đem lại lợi nhuận như dự tính; hoặc do chính người vay không muốn chi trả khoản vay.

c/ Rủi ro từ các nguyên nhân khác: là các rủi ro có khả năng liên quan đến chế độ chính sách và quản lý từ Ngân hàng Nhà nước; hoặc các biến động bất thường trong nền kinh tế; hoặc môi trường như thiên tai, hạn hán, bão lũ…

3/ Căn cứ vào cơ cấu

Căn cứ vào cơ cấu các loại hình rủi ro tín dụng thì được phân chia thành 3 loại: rủi ro theo khoản vay ngắn hạn, rủi ro theo khoản vay trung hạn và rủi ro theo khoản vay dài hạn.

[junkie-alert style=”green”] Bài viết hay không nên bỏ qua: Nên làm thẻ tín dụng ngân hàng nào [/junkie-alert]

Các chỉ tiêu đánh giá rủi ro tín dụng

Ngoài ra bài viết cũng trình bày một số các chỉ tiêu đánh giá và đo lường được rủi ro tín dụng. Nếu như theo dõi kịp thời thì các tổ chức tín dụng và khách hàng vẫn có thể biết được tình trạng khoản nợ cho vay đang nằm trong trường hợp nào.

1/ Nợ quá hạn:

Nợ quá hạn chính là khoản nợ mà khi đến thời điểm cam kết trả nợ nhưng người đi vay không có khả năng trả được. Để đánh giá tình trạng của các khoản nợ quá hạn thì có 2 chỉ tiêu sẽ được tính toán cụ thể như sau:

– Tỷ lệ nợ quá hạn chính là tỷ lệ giữa các khoản nợ quá hạn trên tổng số dư nợ. Chỉ tiêu này ngân hàng và khách hàng đều có thể sử dụng để đo lường mức độ rủi ro tín dụng.

Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn/Tổng dư nợ

– Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn chính là tỷ lệ giữa số lượng khách hàng có số nợ quá hạn trên tổng số khách hàng có dư nợ. Chỉ tiêu này các tổ chức tín dụng có thể sử dụng để đánh giá tình hình chung của rủi ro tín dụng của mình.

Tỷ lệ khách hàng có nợ quá hạn = Số khách hàng có nợ quá hạn/Tổng số khách hàng có dư nợ

Đối với cả 2 chỉ tiêu này: nếu chỉ tiêu có số càng lớn và gần với 1 hơn thì thể hiện cho mức độ rủi ro tín dụng cao. Ngược lại, chỉ tiêu có số càng nhỏ và gần với số 0 hơn thì mức độ rủi ro tín dụng càng an toàn.

2/ Nợ xấu:

Nợ quá hạn là các khoản nợ đã quá thời hạn thanh toán trên 90 ngày và có tiên lượng không tốt về khả năng trả nợ và khả năng thu hồi vốn của người đi vay.

Một số chỉ tiêu phản ánh nợ xấu trong tổ chức tín dụng được tính toán theo các công thức như sau:

– Tỷ lệ nợ xấu được đo lường bằng tổng số nợ xấu trên tổng số dư nợ của tổ chức tín dụng

Tỷ lệ nợ xấu = Nợ xấu/Tổng dư nợ.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này có thể chấp nhận được khi ở mức dưới 5% ; và ở mức tốt nhất là từ 1% đến 3%.

– Tỷ trọng nợ xấu theo nhóm nợ được tính bằng tổng số dư nợ xấu theo nhóm 3, 4 và 5 trên tổng số dư nợ xấu.

Tỷ trọng nợ xấu theo nhóm nợ = Dư nợ xấu nhóm (3,4,5)/Tổng dư nợ xấu

Các nhóm nợ tín dụng này, đã được trình bày trong bài “Dư nợ tín dụng là gì?  Đọc ngay để hiểu và thanh toán gấp”, bao gồm các nhóm 1 cho đến nhóm 5. Và nợ xấu trong diện xem xét bao gồm các nhóm nợ nhóm 3, 4, 5.

– Tỷ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu được đo lường bằng tổng số nợ xấu trên vốn chủ sở hữu của cá nhân khách hàng hoặc doanh nghiệp đi vay đó.

Tỷ lệ nợ xấu trên vốn chủ sở hữu = Nợ xấu/Vốn chủ sở hữu

– Tỷ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất được tính toán bằng tổng số nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất của ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu trên quỹ dự phòng tổn thất = Nợ xấu/Quỹ dự phòng tổn thất

Tương tự như các chỉ tiêu về nợ quá hạn, thì đối với các chỉ tiêu này cũng như vậy: nếu số càng tiến gần về 1 sẽ thể hiện cho mức độ rủi ro tín dụng càng cao. Ngược lại, số tiến gần về 0 hơn thì mức độ rủi ro tín dụng càng an toàn.

Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với các chủ thể

Các tổ chức tín dụng đặc biệt là ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Ngân hàng giúp thực hiện điều phối các nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chúng đem đầu tư vào các dự án có tiềm năng. Tuy nhiên, khi ngân hàng là chủ thể trung gian đứng ra thực hiện các khoản cho vay nhưng nếu gặp phải những rủi ro tín dụng cao sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều đối tượng.

Nhìn nhận một cách tổng quan, nếu không kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, dẫn đến tỷ lệ các khoản nợ xấu cao và khả năng không thu hồi vốn được là rất lớn. Trước mắt, điều này chứng tỏ rằng nguồn vốn nhàn rỗi đã đầu tư không đúng chỗ vì vậy không đem lại được hiệu quả.

Tiếp theo, ngân hàng sẽ bị sa sút trong quá trình hoạt động kinh doanh; từ đó có thể là nguyên ngân gây ảnh hưởng đến các cá nhân và tổ chức có tiền gửi trong các tổ chức tín dụng trong trường hợp ngân hàng phá sản. Như vậy, toàn bộ nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sau đây bài viết sẽ trình bày cụ thể hơn hậu quả và sự tác động của rủi ro tín dụng đối với từng đối tượng để các bạn có thể hiểu một cách chi tiết hơn:

1/ Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với ngân hàng

– Các ngân hàng thương mại sẽ không thu hồi được lãi và các khoản phí dịch vụ, thậm chí còn có khả năng mất luôn cả vốn gốc. Như vậy sẽ gây ra sự thất thoát cho nguồn vốn dẫn đến việc giảm quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại.

– Khi các khoản nợ xấu gia tăng dẫn đến tiềm lực tài chính của ngân hàng bị suy giảm nghiêm trọng. Từ đó, dẫn đến sự suy giảm uy tín của ngân hàng kéo theo sự mất lòng tin của dân chúng làm giảm khả năng huy động vốn của ngân hàng. Điều này có thể dẫn ngân hàn đến bờ vực phá sản.

2/ Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với khách hàng

– Một khi khách hàng đã rơi vào nhóm nợ xấu nhưng không cố gắng tìm cách để trả nợ cho ngân hàng thì tất cả những thông tin này sẽ đều được ghi nhận vào lịch sử tín dụng cá nhân. Như vậy, trong tương lai khách hàng sẽ rất khó khăn và gần như không có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay khác từ bất cứ tổ chức tín dụng nào.

– Đối với các khách hàng đi vay khác đặc biệt là những chủ thể cùng ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh cũng sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn của ngân hàng do ngân hàng bị thu hẹp quy mô hoạt động hoặc ngân hàng buộc lòng phải thắt chặt rủi ro tín dụng đối với ngành.

– Ngoài ra, các cá nhân và tổ chức gửi tiền vào ngân hàng cũng sẽ có nguy cơ không thu hồi được vỗn và lãi trong trường hợp ngân hàng bị phá sản.

3/ Ảnh hưởng của rủi ro tín dụng đối với nền kinh tế

– Ngân hàng đóng vai trò trong việc điều phối các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân chúng vào các kênh đầu tư hiệu quả nhằm phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu như việc điều phối này không được thực hiện tốt, dẫn đến gây tổn thất các nguồn vốn của công dân sẽ gây tác động nặng nề đến nhiều chủ thể và nền kinh tế nói chung.

– Bên cạnh đó, đối với các dự án đầu tư tốt cần được cung cấp vốn để phát triển lại bị khó khăn với việc tiếp cận vốn vay tại ngân hàng. Một phần vì nguồn vốn cho vay của ngân hàng có hạn và một mặt bản thân ngân hàng sẽ thắt chặt tín dụng vì lí do e ngại tỷ nệ nợ xấu vốn đã ở tình trạng báo động.

– Và Khi một ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản sẽ đe dọa đến sự ổn định của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng khác cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến uy tín và khả năng huy động vốn. Điều này sẽ gây đình trệ cho toàn bộ nền kinh tế quốc gia và gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ đời sống xã hội của dân chúng.

Cuối cùng, việc quản lý và kiểm soát rủi ro tín dụng là điều vô cùng cần thiết, chính vì vậy mà đòi hỏi các tổ chức tín dụng phải thực sự đảm bảo quy trình cho vay tín dụng của mình. Có như vậy, hệ thống ngân hàng mới có thể thực hiện đúng vai trò là chủ thể điều tiết giúp cho nền kinh tế phát triển ngày càng đúng hướng và thịnh vượng hơn.

Bài viết này cũng thực sự hữu ích, khi giúp cho các bạn có thêm kiến thức về rủi ro tín dụng. Đồng thời, các bạn có thể nâng cao nhận thức để đề phòng rủi ro tín dụng cho chính mình bằng cách tìm hiểu thật kỹ trước công việc kinh doanh của bất cứ ngân hàng nào trước khi quyết định gửi tiền mặt của mình. Chúc cho các bạn có thể kinh doanh và đầu tư tiền bạc đúng hướng!

Bài viết hay: